Ca sốt xuất huyết tăng nhưng kiến thức phòng, chống đang bị "quên"
VHO- Theo các nhà khoa học, hiện nay thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh. Tuy nhiên sau hơn 2 năm phòng, chống dịch Covid-19, những kiến thức phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) dường như đang bị “quên”.
TS Nguyễn Văn Dũng cho biết, hiện tượng El Nino khiến cho vòng đời sinh trưởng của muỗi được rút ngắn Ảnh: THANH LOAN
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết, chỉ trong quý I và quý II.2023 miền Bắc ghi nhận đến hơn 1.100 ca, tức là tăng hơn 60% so với năm trước. Tại Hà Nội, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc SXH bắt đầu tăng dần, và hiện đang là điểm nóng nhất về SXH dengue ở miền Bắc với khoảng 500 ca mắc. Thời tiết rất nóng, mưa lại nhiều tạo điều kiện cho sự phát triển của muỗi nên dự báo Hà Nội là một trong những địa phương có số ca mắc có thể rất cao.
Năm 2022, số người mắc SXH và tử vong tại Việt Nam dường như cao nhất trong lịch sử, và lý giải hiện tượng này ông Dũng cho rằng, bệnh đang bị lãng quên sau hơn 2 năm toàn quốc tập trung phòng, chống dịch Covid-19 với toàn bộ nhân lực, nguồn lực, cũng như sự quan tâm của người dân. Nhiều người nghĩ đến việc sau khi mắc Covid-19 thì sự miễn dịch giảm xuống nên khi mắc SXH thì số ca tử vong sẽ tăng cao. Nhưng giả thiết này chưa có bằng chứng, số liệu khoa học.
SXH là bệnh nguy hiểm và phải sống chung, do đó, cách phòng chống hiệu quả nhất là dựa vào cộng đồng với thông điệp “Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Tuy nhiên, hiện nay những kiến thức phòng, chống SXH của người dân, một số đơn vị xã, phường cũng đang bị “quên” hoặc hiểu sai dẫn đến việc chủ quan, làm tăng sự phát triển của muỗi. Vì vậy, cần phải tăng cường truyền thông để người dân “nhớ lại”. Theo TS Nguyễn Văn Dũng, một trong những sai lầm của người dân là tự ý mua bình xịt muỗi hoặc các hộ dân tự góp tiền thuê dịch vụ phun thuốc về phun tại ngõ, xóm của mình. Hiện nay trên thị trường có hàng trăm nhãn hàng, chủng loại hóa chất diệt muỗi, nhưng nếu sử dụng loại trôi nổi, không đảm bảo kỹ thuật thì không những làm muỗi không chết mà còn làm cho muỗi kháng thuốc. Điều này là rất nguy hiểm. Hơn nữa, muỗi SXH thường đậu trên quần áo treo trong nhà, nên không thể xịt thẳng vào quần áo. Do đó, khi dùng hóa chất cần phải được những người có chuyên môn tư vấn và sử dụng an toàn, hiệu quả.
Một sự thật khác là khi phát động phong trào phòng, chống SXH ở một số xã phường, người dân được huy động tới vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh… Tuy nhiên, muỗi SXH không đẻ ở những vũng nước bẩn, mà đẻ ở vũng nước sạch. Do đó, phòng, chống SXH là chúng ta phải diệt lăng quăng, bọ gậy ngay chính trong gia đình, loại bỏ các ổ sinh đẻ của muỗi. “Trong quá trình kiểm tra, giám sát, chúng tôi nhận thấy, nhiều gia đình cao 4 -5 tầng, ở các tầng dưới thì hoàn toàn sạch sẽ nhưng ở tầng thượng là nơi chứa những đồ không dùng đến, hoặc trồng cây… có nhiều vật dụng chứa nước đọng, đấy chính là ổ sinh sản của muỗi”, TS Dũng cho hay. Ngoài ra, nhiều người sống ở chung cư cao tầng, thậm chí từ tầng 20 trở lên thường chủ quan cho rằng, muỗi không thể bay cao lên đó nên ngủ không cần mắc màn. “Đúng là muỗi không thể bay cao tới những tầng đó, nhưng người dân quên rằng muỗi có nhiều con đường để phát tán. Chẳng hạn, muỗi có thể bay vào thang máy, có thể đốt trong thang máy hoặc theo thang máy để bay đến tầng cao hơn. Do đó, ngay ở tầng cao cũng phải dùng các biện pháp ngăn ngừa các ổ sinh đẻ của muỗi. Thay vì xịt muỗi thì có thể dùng vợt muỗi một cách cơ học”, ông Dũng nói.
Trước tình hình thời tiết như hiện nay, để chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế gửi công văn số 4295 /BYT-DP đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai một số nội dung phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố giao UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động diệt loăng quăng, bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7; duy trì hoạt động 1 tuần/ lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng, bọ gậy cao và một tháng/lần tại các khu vực còn lại. Đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy…
TS Nguyễn Văn Dũng cho biết, hiện nay Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đang xây dựng hướng dẫn thành lập tổ phòng, chống SXH cộng đồng. Tổ này được xây dựng dựa trên hoạt động của tổ Covid cộng đồng. Thực tế chứng minh rằng tổ này đã hoạt động rất hiệu quả trong thời kỳ phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, tổ trưởng là Phó chủ tịch UBND xã, phường, sẽ chỉ đạo cho từng thành viên, tổ dân phố đến từng nhà, từng thôn, từng bản, từng xã phối hợp với cán bộ y tế để hướng dẫn người dân diệt bọ gậy, loăng quăng, và kịp thời xử lý khi có ổ dịch.
Một trong những sai lầm của người dân là tự ý mua bình xịt muỗi hoặc các hộ dân tự góp tiền thuê dịch vụ phun thuốc về phun tại ngõ, xóm của mình. Hiện nay trên thị trường có hàng trăm nhãn hàng, chủng loại hóa chất diệt muỗi, nhưng nếu sử dụng loại trôi nổi, không đảm bảo kỹ thuật thì không những làm muỗi không chết mà còn làm cho muỗi kháng thuốc. Điều này là rất nguy hiểm. Hơn nữa, muỗi SXH thường đậu trên quần áo treo trong nhà, nên không thể xịt thẳng vào quần áo. Do đó, khi dùng hóa chất cần phải được những người có chuyên môn tư vấn và sử dụng an toàn, hiệu quả. (TS NGUYỄN VĂN DŨNG) |
QUỲNH HOA